Tiểu sử Fujiwara no Kamatari

Kamatari xuất thân từ gia tộc Nakatomi, một dòng họ quý tộc có mối quan hệ mật thiết với Hoàng thất và là [5] hậu duệ của Ame-no-Koyane.[6] Ông là con trai của Nakatomi no Mikeko với tên gọi là Nakatomi no Kamatari (中臣鎌足) (Trung Thần Liêm Túc).[3] Cuộc đời và thành tựu của ông được mô tả trong cuốn lịch sử của gia tộc có tên là Tōshi Kaden (藤氏家伝) (Đằng Thị Gia Phả), được viết vào thế kỷ thứ 8.[7]

Kamatari là một vị quan trung thành của Hoàng tử Naka no Ōe, tức Thiên hoàng Tenji sau này. Ông cũng là người đứng đầu Jingi no Haku, một nhóm gồm những người thực hiện các nghi lễ Thần đạo; do đó, ông đã ra sức phản đối vị thế và sự lưu truyền rộng rãi của Phật giáo trong triều đình và đất nước. Cuối cùng, vào năm 645, Hoàng tử Naka no Ōe đã bắt tay với Kamatari,gây ra biến cố Ất Tị trong triều đình với mưu đồ tiêu diệt Soga no Iruka, người có tầm ảnh hưởng lớn tới Thiên hoàng Kōgyoku. Sau đó, cha của Iruka là Soga no Emishi đã tự sát.

Sau sự kiện này, Thiên hoàng Kōgyoku bị buộc phải thoái vị và nhường ngôi cho em trai mình, tức Thiên hoàng Kōtoku; Thiên hoàng Kōtoku sau đó đã phong Kamatari làm Nội Đại thần (内 大臣).

Kamatari cũng là người đi đầu trong việc phát động Cải cách Taika, hình thức cải cách dựa trên hình mẫu của Trung Quốc nhằm tăng cường quyền lực của Hoàng gia.[3] Ông cũng là người chịu trách nhiệm phát triển pháp luật của đất nước với bộ luật có tên gọi là Sandai-kyaku-shiki, còn được gọi là Quy tắc Ba Đời.[8]

Phần đời còn lại, Kamatari tiếp tục đóng vai trò là cận thần cho Hoàng tử Naka no Ōe, người đã lên ngôi Thiên hoàng vào năm 661. Để ghi nhớ điều này, Thiên hoàng Tenji đã phong cho ông tước vị cao nhất trong triều là Thái chính quan (大織冠) cùng với họ mới là Fujiwara (藤原) (Đằng Nguyên).[3]